Quyển 8 - Chương 70: Kỷ nguyên (Hết)


Click Theo Dõi -> Fanpage Để phòng website đổi tên miền khác hoặc nhận các thông báo sớm nhất từ admin nhé

Kim Toán Bàn nghe xong lấy làm tâm phục khẩu phục, khen thầm Trương Tam Gia đã nhìn thấu được vạn vật trên đời. Ngày hôm ấy, y liền cùng Cối Xay Sắt và Liễu Trần cáo biệt sư tôn bắt đầu bước lên con đường Mô Kim hiệu úy.

Bấy giờ, đang là buổi loạn thế thay triều đổi đại, khắp nơi đều là thiên tai nhân họa, dân chúng phải chịu cảnh khốn đốn, ba người trước tiên lên Mang Sơn ở Hà Nam mở hàng, liên riếp trộm mấy ngôi mộ cổ, lấy những đó minh khí đáng tiền nhất ra bán đổi lấy tiền và lương thực cứu tế nạn dân. Mấy vụ làm ăn này của họ đều thuận buồm xuôi gió, từ đấy trở đi bắt đầu đi khắp Sơn Tây, Thiểm Tây, Hà Nam, Sơn Đồng, không biết đã đào trộm bao nhiêu sơn lăng mộ cổ.

Từ xưa đã có câu “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, người sống ở đời, bất luận ngươi bôn ba nước lửa ra sao, cuối cùng thành công hay không, rốt cuộc vẫn đều do ý trời. Gặp phải vận tốt, thì thứ gì cũng mua bán được, việc làm ăn lên như diều gặp gió, không có mộ nào không trộm được; còn như phải lúc thời vận suy vi, thì cũng rút nhanh như nước thủy triều, đụng việc gì cũng lỗ vốn, phải đem cả tính mạng ra bù.

Thời vận có lúc lên lúc xuống, không thể khi nào cũng thuận lợi như thế được, có một năm nọ, đến lượt ba người bọn Kim Toán Bàn gặp vận rủi. Ba người nhắm được một ngôi mộ cổ ở gần Lạc Dương, bèn nai nịt vào núi, không may đụng phải một trận chiến, lũ bại binh tháo chạy khỏi chiến trường. Bại binh thế lớn, xua theo vô số nạn dân ùn ùn kéo đến tràn cả vào trong núi, khiến ba huynh đệ Kim Toán Bàn bị lạc nhau.

Liễu Trần và Cối Xay Sắt cứu một nhóm nạn dân, trốn vào mộ cổ trong rừng. Trong đám nạn dân ấy, có một phụ nữ mang thai chờ sinh, trong lúc hỗn loạn đã làm động đến thai khí, khiến đứa bé chui ra sớm. Chẳng ngờ, thai nhi này lại nằm ngược, mắt thấy sắp nguy đến nơi, một xác hai mạng nằm lại giữa chốn hoang sơn dã lãnh.

Liễu Trần xưa nay tâm địa nhân từ, làm sao nhẫn tâm nhìn người khác mất mạng trước mắt, ông nhìn ra trong cụm mộ cổ này có một ngôi mộ khí thế sâm nghiêm, bèn xem xét địa mạch, quan sát hình núi, đoán rằng trong mộ chắc chắn có suối Quan Tài, cũng chính là nguồn suối ở trong chỗ đặt quan tài dưới lòng đất… dân gian có thuyết cho rằng, đun sôi nước lấy ở suối Quan Tài có thể giúp sinh nở dễ dàng.

Liễu Trần và Cối Xay Sắt bàn bạc, nhất trí rằng cứu người khấn cấp, bèn nhanh chóng rút xẻng Toàn phong, đào bới như bay. Chỉ một nấm mộ đất, làm sao ngăn được hai cao thủ Mô Kim cùng đào bới, chỉ thoáng sau họ đã thấy nắp quan tài. Chẳng ngờ, trong quan tài của ngôi mộ nhà quê này lại ẩn giấu ám khí, hai người từng trải bao sóng to gió lớn, nay lại lật thuyền trong mương rạch, Cối Xay Sắt bị cơ quan đánh trúng tử huyệt, chết ngay tại chỗ.

Liễu Trần bây giờ mới nhớ ra, năm xưa khi hạ sơn, sư phụ từng dặn đi dặn lại… “hợp thì sống, phân thì chết”, giờ quả nhiên ứng nghiệm. Nếu như có Kim Toán Bàn ở đây, y tinh thông thuật số Ngũ hành Bát quái, chắc chắn có thể nhận ta trong quan tài có cơ quan, nhưng chỉ một ý nghĩ sai lầm đã gây thành họa lớn, giờ có hối hận cũng không kịp nữa rổi. Về sau, Kim Toán Bàn đến tìm hai người đồng bọn, thấy Cối Xay Sắt đã phơi xác tại trận, cũng tối sầm mặt mũi ngất đi, chỉ có thể nói là người không nên tranh với số mệnh. Hai người Liễu Trần và Kim Toán Bàn than thở một hồi, đoạn nuốt nước mắt hỏa thiêu thi thể Cối Xay Sắt, đem tro cốt bỏ vào bình sứ.

Liễu Trần và Kim Toán Bàn thương lượng, theo lời sư phụ : “hợp thì sống, phân thì chết” hai chúng ta từ nay nếu còn tiếp tục đi đổ đấu, chắc cũng không có kết quả tốt đẹp gì, xem ra không thể làm nghề này được nữa rồi.

Những năm này, Liễu Trần đã nhìn hết mọi nỗi khổ của dân gian, tự thấy bản lĩnh của mình có cao mấy cũng chẳng cứu tế nổi ức vạn thương sinh trong thiên hạ, biển khổ vô biên, quay đầu là bờ, ông định treo bùa Mô Kim, mang theo bình tro cốt của Cối Xay Sắt tới Giang Nam tìm ngôi chùa nào đấy xuất gia đi tu, ngày tháng sau này bầu bạn với thanh đăng cổ phật, sám hối những chuyện đã qua.

Kim Toán Bàn không muốn đi tu, lại không muốn tháo bùa, thầm nhủ, nếu không đổ đấu thì vẫn có thể theo nghề cũ, tiếp tục làm thương nhân buôn hàng kiếm lợi, kiếm được tiền cũng có thể phò nguy cứu khổ. Nghĩ đoạn, y bèn nói với Liễu Trần: “Một lá bèo trôi về biến lớn, nhân sinh hà xứ bất tương phùng. Hôm nay chúng ta từ biệt, sau này nhất định còn có ngày gặp lại, nếu huynh gặp phải phiền phức gì cần giúp đỡ, cứ đến đội thuyền Hoàng Hà tìm đệ.”

Sau khi từ biệt ở khu mộ cổ, Kim Toán Bàn quả nhiên chỉ hành nghề buôn bán ở lưu vực Hoàng Hà. Y vốn xuất thân trong nhà thương lái, chuyện buôn bán qua lại đã cực kỳ thành thạo, nhưng thiên tai liên miên bất tuyệt, việc làm ăn cũng không khá khẩm gì cho cam, huống hồ ăn trộm lâu ngày thành nghiện, vả lại trong thiên hạ này làm gì có nghề nào kiếm tiền nhanh bằng đổ đấu? Kim Toán Bàn cậy mình thông minh tuyệt đỉnh, lại chứng kiến Hoàng Hà lũ lụt tràn lan, người chết đói chết trôi khắp nơi, nên vẫn ngấm ngầm làm một vài vụ đổ đấu. Y hiểu đây là trò đem mạng ra đặt cược, nhưng không thể không làm, trong lòng cũng hơi hoang mang, vì vậy mỗi lần đều lên kế hoạch hết sức chu toàn, không chắc chắn vạn phần thì tuyệt đối không ra tay.

Có một năm, Kim Toán Bàn đi đánh hàng, ngồi thuyền xuống hạ du, bấy giờ gặp đúng lúc nước Hoàng Hà dâng cao, dòng chảy cuổn cuộn, Kim Toán Bàn đang ngồi trên boong nói chuyện phiếm với mấy khách thương, đột nhiên trời đất biến sắc, vầng dương trên không tựa như mất hồn, chỉ còn lại một cái bóng tái nhợt, kế đó cả mặt trời cũng không còn tăm tích, mấy đen từ khắp bốn phía đổ về, mặt sông nổi sương mù mờ mịt, còn kèm theo những hạt mưa to như hạt đậu và mưa đá đổ xuống.

Chủ thuyền kêu than không ngớt, thiên địa thất sắc, chứng tỏ con rồng già dưới thủy phủ kia bị kinh hãi, đây là điềm Hoàng Hà sắp dâng lũ, vội vàng cho thuyền chạy về phía bến cảng gần đó. Thuyền hàng đội cơn mưa sầm sập vừa dừng lại, nước lớn phía sau liền ập đến, chỉ thấy trên thượng du sóng lớn đục ngầu, thế nước tựa hồ nối liền với bầu không, chẳng thể nào phân biệt được đâu là nước lũ, đâu là trời là đất nữa. Mưa rào, mưa đá giữa cơn cuồng phong, quyện lấy bùn đất dưới đáy sông, rầm rập đổ xuống, cả thế giới như chìm vào một buổi hoàng hôn đen tối, thật đúng là “Hoàng Hà dâng lũ đất trời tối, ba đào hồng thủy cuồn cuộn trôi”.

Kim Toán Bàn thấy mưa lớn sầm sập, bốn phía càng lúc càng tối, biết rằng phen này gặp phải họa lớn, dù có bản lĩnh bằng trời cũng chẳng kháng cự nổi uy thế của dòng Hoàng Hà đang nổi giận. Y bỏ mặc hàng hóa chất đầy khoang, cùng mọi người nhảy xuống thuyền, co cẳng chạy lên chỗ cao. Trong đám người chạy nạn ấy, có mấy kẻ chậm chân, lập tức bị dòng nước đục ngầu cuốn đi mất, chết trong con nước, đến xác cũng chẳng tìm về được.

Khi xưa, Trương Tam Gia từng nói thân thủ của Kim Toán Bàn không ổn, nhưng còn phải xem là so sánh với ai, đem so với Liễu Trần và Cối Xay Sắt thì y kém hơn rất nhiều, nhưng dẫu sao cũng là tay lão luyện trong nghề mò vàng đổ đấu nhiểu năm, đem so với người bình thường, Kim Toán Bàn cũng có thể xếp vào hàng rất nhanh nhẹn. Bị con lũ đuổi dồn, Kim Toán Bàn chạy thục mạng trong mưa lớn, cuối cùng cũng lên được một ngọn đồi cao.

Kim Toán Bàn chạy lên được đồi cao, nằm rạp nhìn xuống dưới, chỉ thấy mây đen dần tan, bầu trời phía xa xa tựa như một mảng bùn đất màu vàng đen, bên trong ẩn hiện những tia sáng đỏ sẫm. Hoàng Hà đã nuốt trọn các thôn trang thuyền bè bên bờ với khí chế không gì cản nổi, những người và trâu bò dê lợn bị nướclớn cuốn đi vùng vẫy nổi trôi theo con sóng, tất cả đều trở thành thức ăn của lũ binh tôm tướng cá dưới thủy phủ. Người nào may mắn chạy lên được chỗ cao đều mặt mày xám xịt như chì không ngừng kêu cha gọi mẹ, nhưng mọi âm thanh trên thế gian, đều đã bị tiếng nước ầm ầm kia nhấn chìm, cảnh tượng thê thảm không tả xiết.

Trận lũ này đến cực nhanh, dòng sông đục ngầu suốt hai canh giờ mới lắng xuống, Kim Toán Bàn nhặt được cái mạng từ cõi chết trở về, tinh thần chưa kịp trấn định lại sau phen kinh hồn bạt vía, rờ lại đồ đạc trên người mới phát hiện chiếc ô Kim Cang sau lưng đã biến mất.

Khi ấy, Trương Tam Gia để cho bọn họ tổng cộng hai chiếc ô Kim Cang, một là cổ vật nghìn năm của Mô Kim hiệu úy truyền lại, chiếc này ở trong tay Liễu Trần. Chiếc ô Kim Toán Bàn mang theo bên mình là đồ chế tạo thời Minh, công nghệ và chất liệu đều giống hệt như chiếc ô cổ, cũng là một món khí giới phòng thân cực kỳ hiếm có. Chắc chắn trong lúc bỏ chạy tháo thân vừa nãy, y đã để rơi mất ô Kim Cang, giờ chắc hẳn đã bị nước cuốn đi rồi, làm sao tìm lại được, đành nghĩ cách tìm thợ giỏi làm một chiếc khác vậy.

Kim Toán Bàn chủ ý đã định, bèn men theo dốc núi đi xuống, định mua chút đồ ăn của dân trong vùng, nhưng sau cơn đại nạn, dân chết đói nằm la liệt khắp chốn, ruộng vườn nhà cửa mất quá nửa, dù có tiền cũng chẳng mua nổi cái ăn. Y đói cồn cào ruột gan, sắp ngã vật ra tới nơi thì trông thấy rất nhiểu người đi về phía bờ sông, nói là muốn xem Long vương gia. Kim Toán Bàn lấy làm lạ, bèn theo dòng người đi tới.

Vừa ra bờ sông, ngay cả Kim Toán Bàn kiến thức rộng rãi cũng không khỏi giật mình kinh hãi. Chỉ thấy, trên dốc chỗ dòng sông uốn khúc có một con cá lớn mắc cạn, vẫn chưa tắt thở, đầu cá còn lớn hơn ngôi nhà dân bình thường, những cái vảy lớn khắp người trông như lá thép, những chỗ không lấm bùn ánh lên sắc xanh đen, mắt cá trợn tròn, đầu đuôi quẫy loạn, cái miệng đen ngòm mở ra khép vào, tanh hôi không thể tả. Nhìn kích cỡ cái miệng ấy, sợ rằng cả nghìn cân đại hoàng cũng không đủ cho nó xơi một miếng.

Dân chúng trong vùng đều sợ nhũn người ra, run rẩy quỳ trước mặt con cá, thắp hương dập đầu không ngớt, khẩn cầu Long vương gia nguôi giận, mau về thủy phủ. Nhiều người bước lên đẩy, định đưa Long vương gia trở lại Hoàng Hà, nhưng cũng chỉ như bọ ngựa lay cột, không làm nó nhúc nhích chút nào cũng không đi đâu tìm được trâu ngựa tới kéo, cả bọn chỉ biết trơ mắt nhìn Long vương gia hít vào thì ít thở ra thì nhiều, cuối cùng trợn mắt chết bên bờ nước.

Kim Toán Bàn xem một lúc lâu, sau đó lại đến nghe ngóng chỗ dân chúng đang khấn lạy Long vương gia một hồi, tìm đường vào huyện thành ăn chút gì đó. Nghe người trong vùng nói trăm năm qua chứa gặp trận lũ nào thế này, tuy đến nhanh rút cũng rất nhanh, nhưng lại gây ra thiệt hại nặng nề, chẳng những thế Long vương gia ở thủy phủ Hoàng Hà còn chết trên bờ đây tuyệt đối không phải điềm lành, phía sau nhất định còn tai họa lớn hơn nữa. Hoàng Hà nước dâng, dìm chết không biết bao nhiêu người và súc vật, nơi này vốn là đất chó ăn đá gà ăn sỏi; trong vòng mười năm nguyên khí khó mà hồi phục, không biết còn bao nhiêu người nghèo phải chết đói nữa đây.

Kim Toán Bàn nghe được những lời này, bèn động lòng trắc ẩn, mắt thấy thiên tai vô tình làm hại lê dân trăm họ hai bên bờ sông, y thầm nhủ: “Sau trận đại họa này, chắc chắn người chết đói sẽ đầy đồng, giờ đây thế đạo suy bại, quan phủ bất tài, ngoài ta ra, còn ai chịu đứng ra lo liệu nữa đây?” Trong lòng có ý thu xếp lương thực cứu trợ, nhưng hàng hóa của y đã thất lạc trong dòng nước, mất cả tiền vốn, trên người tuy còn một chút tiền bạc, nhưng đối mặt với hàng nghìn hàng vạn dân gặp nạn thật chẳng khác nào muối bỏ biển. Y liền nảy ra ý định đổ đấu, tính toán sẽ làm một vụ thật lớn.

Kim Toán Bàn nhớ đến một sự kiện mấy năm trước, khi ấy y biết được từ miệng một vị khách thương, ở Long Lĩnh cách nơi này không xa, có một lăng mộ lớn thời Đường nằm trong khu vực dốc Xà Bàn quanh co hiểm trở, nếu có thể trộm được một hai món báu vật hoàng gia trong ấy thì không cần phải lo việc xoay xở tiền bạc nữa. Có điều, mặc dù y tinh thông Lăng phổ, nhưng lại không thể suy đoán ra được thời Đường có lăng mộ hoàng thất nào xây ở vùng này.

Y ở khách sạn nghe ngóng vài tin tức, thăm dò một số đầu mối, hỏi rõ đường đi tới Long Lĩnh rồi vào núi tìm mộ cổ, quả nhiên thấy hình thế trong núi bất phàm, tuy có vụn vặt tản mạn, nhưng không thể che giấu được khí tượng rồng bay phượng múa, theo lý phải là một nơi có lăng mộ hoàng gia. Có điều, gần đây có mấy thôn làng rải rác, thường có người chăn dê chăn bò lang thang quanh quẩn, muốn đào hang trộm dẫn xuống địa cung mộ cổ thì dễ, nhưng khó che giấu được tai mắt.

Kim Toán Bàn nghĩ ra một cách, lại trở về bờ sông Hoàng Hà, thấy thi thể con cá lớn vẫn nằm trên bờ sông, bèn nói với dân chúng rằng y nguyên xuất tiền xây miếu Long vương thờ phụng xác cá để cầu thần sông phù hộ nơi này được mưa thuận gió hòa, đồng thời bịa ra một cái cớ, để mọi người tin rằng miếu Ngư Cốt nhất định phải xây trong núi, bằng không sẽ lại xảy ra thủy tai lần nữa.

Xây miếu, đắp nhà, trồng hoa màu để che dấu vết tích đào trộm cổ mộ là thủ pháp thường dùng của Mô Kim hiệu úy, dân quê không hiểu sự tình, tự nhiên tin là thật. Khi ấy, Kim Toán Bàn xuất tiền, dân chúng ra sức, vận chuyển hài cốt con cá lớn vào trong núi, xây thành một ngôi miếu Long vương.

Tranh thủ khoảng thời gian xây miếu, Kim Toán Bàn cũng bắt tay chuẩn bị đổ đấu, dựa theo kinh nghiệm của y mà phán đoán, quy mô mộ cổ Long Lĩnh này không nhỏ, truyền thuyết của dân địa phương về ngôi mộ cổ này cực kỳ thần bí kỳ dị, hẳn cũng không phải chốn dễ đi. Không có ô Kim Cang hộ thân trong lòng Kim Toán Bàn cứ cảm thấy không được chắc chắn cho lắm, nhưng chiếc ô còn lại ở trong tay Liễu Trần, hai người ly biệt nhiều năm không hề liên lạc gì, chính y cũng không biết đồng bạn năm xưa giờ ở đâu, đành lên thuyền đi Bảo Định ở Hà Bắc, tìm danh gia “Ám khí Lý” đặt làm một chiếc mới.

“Ám khí Lý” là một trong các thủ lĩnh ở Phong Oa sơn, tay nghề xuất chúng, có thể chế tạo đủ loại khí giới, nhưng ông ta xem xong bản vẽ và cách chế tạo ô Kim Cang, cũng cảm thấy hết sức khó khăn, đáp rằng ô Kim Cang này không phải vật thường, một số nguyên vật liệu không dễ gì kiếm đủ, hơn nữa còn yêu cầu công nghệ và hỏa hầu hết sức phức tạp, ít nhất phải một năm mới làm xong.

Kim Toán Bàn đang vội đi trộm mộ cổ Long Lĩnh, không thể đợi được sáu tháng nửa năm, lại thêm nhiều năm trôi qua, lời dặn dò năm xưa của Trương Tam Gia đã phai nhạt dần trong tâm trí, y thầm nhủ, sau khi Cối Xay Sắt thiệt mạng, một mình ta từng nhiều lần trộm những mộ lớn, đều không hề sơ sẩy, chỉ cần lúc đổ đấu cẩn trọng một chút, với kiến thức của ta, dẫu có gặp cơ quan ám khí chắc cũng đủ ứng phó, không xảy ra sai sót gì lớn, làm sao mất mạng trong ấy được? Nhưng lúc này, cái bàn tính bằng vàng ròng xưa nay y vẫn mang theo không rời một bước bỗng nhiên nứt toác ra, những hạt tính bằng vàng rơi đầy đất. Cái bàn tính này là bảo vật gia truyền nhà y, vô duyên vô cớ bị hỏng, đương nhiên đau lòng hết sức. Y ngầm cảm nhận được, đây không phải điềm tốt lành gì, chợt nảy ra dự cảm Diêm vương muốn thu lấy cái mạng này của mình rồi.

Kim Toán Bàn thông minh một đời, mọi chuyện đều suy xét cặn kẽ, nhưng lần này quả là khách tang đến nhà, họa tinh ập xuống, như bị ma xui quỷ khiến, dù Quan m Bổ Tát hiển linh cũng không thể khuyên y quay đầu được. Y dứt khoát dằn lòng xuống, thầm nghĩ, là phúc thì không phải họa, là họa thì không tránh được, nếu đã đến số chết thì ở trong nhà đóng cửa ngồi một chỗ cũng không bệnh mà toi đời; nếu mạng vẫn chưa tuyệt, thì núi đao biển lửa cũng về được, toàn thân từ trên xuống dưới không tổn hại chút gì, run rẩy sợ hãi thắp hương cầu bồ tát, chi bằng cứ làm việc nên làm, rổi y lại nghĩ: “Thảng như trộm được châu báu trong mộ cổ Long Lĩnh, cứu tế nạn dân, tích đức hẳn cũng không ít, nếu như có thể hoàn thành được việc thiện lớn này, trong cõi u minh nhất định sẽ có quỷ thần tương trợ, nói không chừng còn tăng thêm tuổi thọ cũng nên”.

Y cảm thấy ngôi mộ cổ thời Đường ấy tuy lớn, nhưng có thể suy đoán ra được kết cấu địa hình bên trong, chắc chắn đơn thân độc mã cũng trộm được đồ quý bồi táng, nhưng cũng nghĩ tới khả năng mình gặp bất trắc trong mộ, vạn nhất có gì sơ sẩy, há chẳng phải sẽ lặng lẽ chết đi hay sao ? Trong quan niệm truyền thống, thanh danh thường quan trọng hơn cả tính mạng, đúng như câu “hổ chết để da, người ta chết để tiếng”, nên Kim Toán Bàn mới đem hết những chuyện từng trải trong đời viết vào cuốn sổ ghi nợ, kể cả chiếc bàn tính bằng vàng ròng bị hỏng cũng bỏ vào trong tráp niêm phong, tạm thời gửi lại ở chỗ “Ám khí Lý”, hẹn khi nào tới lấy ô Kim Cang sẽ mang đi một thể

Chú thích:

[←1]

Một câu thành ngữ hiện đại, không rõ xuất xứ, vì được Mao Trạch Đông dẫn dụng trong một bài phát biểu ở hội nghị TW Đảng Cộng sản Trung Quốc mà trở nên thông dụng.

[←2]

. Tổ tiên của Chu Văn Vương.

[←3]

. Chu Nguyên là đô thành thời kỳ đầu của Tây Chu, dỉ chỉ ngày nay vẫn còn ở

huyện Phù Phong và huyện Kỳ Sơn tỉnh Thiểm Tây.

[←4]

Câu trong bài Thủy điệu ca đầu của Tô Thức. Nguyên văn: “Cao xứ bất thắng hàn”, ý là người ở ngôi cao cũng không tránh khỏi lạnh lẽo.

[←5]

. Ý chỉ ba triều Hạ, Thương, Chu.

[←6]

Một loại bẫy mìn, thường có mồi (chiến lợi phẩm, con tin…) để dụ cho nạn nhân chạm vào chốt lẫy gây phát nổ.

[←7]

Di chỉ kỉnh đô cuối đời Thương (nay ở gần thôn Tiểu Đồn An Dương tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Năm 1899 phát hiện chữ giáp cốt ở đây).

[←8]

. Sấm trong lòng bàn tay

[←9]

Một câu danh ngôn của Tưởng Gỉớỉ Thạch, nguyên văn là: Khỉ chưa đến thời khắc hoàn toàn tuyệt vọng vớỉ hòa bình, tuyệt không được từ bỏ hòa bình, khi chưa đến thời điểm mấu chốt phải hy sinh, tuyệt không thể tùy tiện nhắc đến hai chữ hy sinh.

[←10]

Năm chỉến sĩ anh hùng của Bát Lộ quân trong kháng chiến chống Nhật, thà chết cũng không chịu đầu hàng, bị quân địch bao vây, đạn dược đã hết, họ liền ném đá cản bước quân địch, rồi hủy hết vũ khí, liều mình nhảy xuống vách núi. Khi nước Trung Quốc mới thành lập, sự tích anh hùng này được dựng thành phim, và đưa vào sách giáo khoa tiểu học.

[←11]

Thuyết Nhất nguyên duy vật được phát triển bởi Marx và Engels, cho rằng toàn bộ hiện thực khách quan (kẻ cả xã hội loài người) về bản chất là vật chất, ý thức chỉ là kết quà cùa sự phát triển và sự phản ánh của vật chất vận động.

[←12]

di cư theo một tuyến đường nhất định.

[←13]

Chữ quan trong Quan Tài.

[←14]

Chữ quan có nghĩa là nhìn, xem.

[←15]

• Mười sáu quẻ Chu Thiên hoàn chỉnh.

[←16]

Công cuộc xây dựng bốn hiện đại hóa của Trung Quốc bao gồm: hiện đại hóa công nghiệp, hiện đại hóa nông nghiệp, hiện đại hóa quân sự, hiện đại hóa khoa học kỹ thuật.

[←17]

Tiếng lóng giang hồ. Trong Thủy Hử, hồi 37, khi Tống Giang lần đầu gặp Trường Goành trên thuyền. Trương Hoành có hỏi Tống Giang và hai tên công sai áp giải là muốn ăn mì vằn thắn hay mì dao phay. Mì vằn thắn là cởi hết quần áo nhảy xuống sông tự tử, còn mì dao phay là mỗi người ăn một dao rồi ném xác xuống sông.

[←18]

Rổng nhảy qua vực

[←19]

Trong địa cung của lăng tầm bậc đế vương, thường có bệ đá kê quan tài bằng đá trắng, chính giữa là một lỗ hình chữ nhật, bên trong chứa đất vangfm đây là xẻng đất đầu tiên xúc lên lúc chọn nơi xây mộ. Hốc chứa đất ấy gọi là giếng vàng, là điểm mốc cơ bản của toàn bộ bố cục kiến trúc lăng tầm. Xung quanh và bên trong quan quách có bạch ngọc, hoặc trong miệng người chết ngậm ngọc thạch, gọi là táng ngọc. Sở dĩ làm như vậy, là vi người xưa cho rằng giếng vàng có thể nối liền âm dương, trao đổi sinh khí, còn táng ngọc có thể giữ cho thi thể không bị thối rữa. Thời Minh, Thanh, “giếng vàng táng ngọc” được coi là nghi thức mai táng cao cấp nhất.

[←20]

Tiên ở trong bụng

[←21]

1.Hai câu này nằm trong bài thơ Nhân dân giải phóng quân chiếm lĩnh Nam Kinh của Mao Trạch Đông. Chính xác mà nói, câu trước “Thiên nhược hữu tình thiên diệc lão” là một câu trong bài Kim đồng tiên nhân từ Hán ca của thi nhân Lý Hạ thời Đường, Mao Trạch Đông dẫn lại và thêm vào câu sau. Ý đại khái là: “Trời mà cũng có tình cảm thì trời cũng sẽ già đi, xu thế phát triển của thế gian chính là sự đổi thay”.

[←22]

1.Một hình thức phê đấu thịnh hành thời kì đầu Cách mạng Văn hóa. Trong đại hội phê đấu, người bị phê đấu bị ấn chặt đầu, cổ, lưng xuống khiến thân trên và thân dưới tạo thành một góc 90 độ hoặc thậm chí hơn thế, đồng thời hai cánh tay vươn ngược ra phía sau hoạc sang hai bên, trông như cánh của máy bay phản lực, đầu chúi xuống đất, mông vểnh lên trời, trước ngực đeo tấm bảng đen.

[←23]

Thị trấn nằm ở phía Đông Mông cổ, cách Ulan Bator 290km. Năm 1971, nhân vật số 2 của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Lâm Bưu bỏ chạy sang Liên Xô, trên đường đã bị rơi máy bay tại thị trấn này.

[←24]

Bát môn gồm có: Hưu môn, Sinh môn, Thương môn, Đỗ môn, Cảnh môn, Tử môn, Kinh môn và Khai môn. Tám cửa này là từ tám phương vị của Bát Quái mà ra. Đây là một trong những căn cứ dùng để suy đoán cát hung trong Kỳ Môn Độn Giáp.

[←25]

Tức sách Xuân Thu.

[←26]

Ý chỉ việc đăng cơ làm hoàng đế. Thời xưa coi phương Nam là chí tôn, còn phương Bắc tượng trưng cho thất bại, thần phục. Cung điện và chùa miếu đều xây theo hướng chính Nam, chỗ ngồi của bậc đế vương cũng là lưng hướng về phương Bắc, mặt hướng về phương Nam.

[←27]

Quan này là chữ quan trong quan tài, còn chữ quan trong Quan Sơn thái bảo được Chu Nguyên Chương ngự phong là quan trong quan sát.

[←28]

Tranh vẽ cảnh đốt đuốc đỉ đêm

[←29]

Nguyên văn: Điền viên tương vu, hồ bất quy. Đây là một câu trong bài Quy tiên lai từ cùa Đào Uyên Minh.

[←30]

1.Michelangelo Antonioni, đạo diễn người Ý. Năm 1972, ông quay một bộ phim về Trung Quốc, trong đó có một vài cảnh bất nhã, và bị phản đối ở Trung Quốc.

[←31]

Vào buổi sớm mùa xuân hoặc mùa hạ, không khí ở độ cao thấp ổn định, rất ít bụi, nếu có ráng mây rực rỡ chứng tỏ rằng trong không khí ở phía Đông có rất nhiều giọt nước tạo thành tầng mây, thời tiết xấu đang áp dần đến, đây chính là nguyên nhân “ráng sớm đừng ra cửa”; chập tối, vì được mặt trời chiếu sáng cả ngày, nhiệt độ tương đối cao, tỷ lệ nước ờ vùng không khí ở độ cao thấp thông thường không cao, nhưng vì sự đối lưu trở nên yếu, bụi bặm có thể sẽ tập trung một lượng lớn ở tầm thấp. Nếu xuất hiện ráng mây rực rỡ, thì chủ yếu là vì những hạt khô như bụi tán xạ ánh mặt trời tạo nên, điều này chứng tỏ không khí phía Tây tương đối khô. Theo quy luật khí lưu di chuyền từ Tây sang Đông, trong tương lai gần thời tiết bản địa sẽ không xấu đi.

[←32]

1.Thợ mộc cao cấp, tương đương với kiến trúc sư.

END.

Các bạn đang đọc truyện tại metruyenfull.org nếu truyện hay các bạn nhớ cho 1 đánh giá nhé


SIÊU SALE HÀNG HIỆU
Các bạn đọc nếu thấy lỗi chương bấm vào thống báo lỗi chương báo giúp admin để cập nhật lại nhé!

Để có kinh phí duy trì nên website có một số quảng cáo các bạn đọc thông cảm nhé <3